Lễ đúc tượng thờ Thành Tổ Triết Vương Trịnh Tùng

Ngày 27/2, tại Xưởng đúc đồng ở Thị trấn Lâm, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định đã long trọng diễn ra Lễ đúc tượng thờ Bình An Vương, Thành Tổ Triết Vương Trịnh Tùng, do Trung tâm UNESCO Nghiên cứu Văn hóa các Dòng họ Việt Nam phối hợp với Hội đồng họ Trịnh Việt Nam tổ chức.
Về dự có TS Nguyễn Đình Hào, Phó vụ trưởng Văn phòng Chính phủ, đại diện Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam do TS Phan Huy Phú, Phó chủ tịch Liên hiệp có mặt, đoàn đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Hòa thượng Thích Thanh Dục, Phó thư ký Hội đồng Chứng minh dẫn đầu; ông, bà Lê Ngọc Hoàn, nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, cùng đại biểu một số bộ, ngành, cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương, tỉnh Thanh Hóa, Nam Định và đại diện bà con nội ngoại họ Trịnh các tỉnh thành Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh …cùng đại diện các họ Trương, Hà, Trần, Nguyễn, Lê, Đặng, Đoàn, Bùi, Ngô… đã có mặt công đức và chia vui.
Sau Lễ cáo yết Trời Đất và ông Tổ nghề đúc đồng Nguyễn Minh Không về việc chứng tác đúc tượng thờ Bình An Vương, Thành Tổ Triết Vương Trịnh Tùng đã diễn ra đúng giờ quy định, lễ đúc tiến hành an toàn, thuận lợi và tốt đẹp trong niềm hoan hỉ của các tăng ni, quan khách, con cháu họ Trịnh và đại diện các dòng họ Việt Nam.
Bình An Vương, Thành Tổ Triết Vương Trịnh Tùng (1550-1623) được biết đến như người kế tục sự nghiệp của cha là Thái Sư Lạng Quốc Công, sau được truy phong là Chúa Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm (1503 – 1570), người có công khởi dựng vương triều Lê Trung Hưng, đến đời Triết Vương Trịnh Tùng có công lãnh đạo binh tướng giải phóng đất nước và rước vua Lê về trị vì tại Kinh đô Thăng Long (1592).
Ngài được phong là vị Chúa đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, vị Phó quốc vương kiêm quyền cai trị lưỡng đầu chế – là hệ thống trị vì đồng song của Vua và Chúa (giống như Nhà nước và Chính phủ ngày nay, có người cho Ngài là vị Thủ tướng đầu tiên của nhà nước phong kiến Việt Nam). Chúa Trịnh Tùng được đánh giá là vị Chúa xuất sắc trong công cuộc đấu tranh chống các thế lực nội chiến, khéo léo trong ngoại giao, tránh được các tranh chấp láng giềng, đưa ra các chính sách tiến bộ và kiên quyết trong tư cách người lãnh đạo sau vua, dẫn đến thắng lợi toàn diện trong phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội, đồng thời xây dựng chiến lược mở cõi đất nước xuống phía Nam và kế truyền tiếp 11 đời Chúa, duy trì và phát triển đất nước không có thù địch ngoại xâm hơn 250 năm.
Do là vị Chúa đầu tiên có công giành lại thắng lợi cho vương triều Lê Trung Hưng nối tiếp thời Hậu Lê kéo dài 362 năm (1427-1789) kể từ khi Lê Thái Tổ (Lê Lợi) đánh thắng quân Minh và lên ngôi xưng Hoàng đế. Đây là mốc son lịch sử và tâm linh tồn tại vương triều hay thiết chế Hậu Lê được coi là dài nhất trong lịch sử các vương triều Việt Nam (Lam Kinh thực lục).
Pho tượng của Ngài được đúc bằng chất liệu đồng đỏ nguyên chất ( đồng đỏ 9999 có độ bền gấp 10 đến 15 lần so với chất liệu đồng pha tạp), với kích thước gấp 3 người thật, trọng lượng khoảng hơn 5 tấn ( kể cả ngai, bệ và thân tượng). Kỹ thuật đúc tượng thể hiện công phu về nghệ thuật và kĩ thuật cao nhất trong ứng dụng phương pháp đúc cổ truyền và làm nguội hiện đại. Pho tượng được Hội đồng họ Trịnh Việt Nam công đức, được liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam bảo trợ, tiến dâng và đặt tại lầu bia khu di tích Lăng mộ Ngài tại xã Vĩnh Hùng, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa trong năm 2016.
Lễ đúc tượng Ngài được diễn ra thành công tốt đẹp, mọi chi tiết được hoàn thiện đúng kế hoạch trong sự chứng kiến và chỉ đạo của ban tổ chức. Con cháu họ Trịnh trong cả nước, đại diện một số doanh nghiệp tiêu biểu đã công đức bỏ vàng vào pho tượng trong quá trình đúc, ước tính hơn 5 cây vàng.
Với dáng hình uy nghi, vững chãi, tượng đức Bình An Vương, Thành Tổ Triết Vương Trịnh Tùng là biểu trưng công quyền và thần quyền, là niềm tự hào không chỉ là con cháu dòng họ Trịnh, mà còn vẻ vang cho đất nước trong hệ thống cách tân trị vì, bởi Ngài chính là vị Chúa đầu tiên (Thủ tướng) trong hai hệ trị vì Nhà nước và Chính phủ.

Trinh01Trinh01_3Trinh01_4Trinh01_5Trinh01_6Trinh01_7Trinh01_8Trinh01_9Trinh01_10Trinh01_11Trinh01_12Trinh01_13Trinh01_17Trinh01_16Trinh01_15Trinh01_14Trinh01_2

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Facebook