Tháp chuông trong chùa Bái Đính (Ninh Bình) là nơi lưu giữ chiếc Đại hồng chung và Trống đồng “khủng” lớn nhất Việt Nam hiện nay. Tháp chuông được xây dựng có hình bát giác, cao 3 tầng, có 2 lối cầu thang lên và xuống để tham quan Đại hồng chung và Trống đồng.
Nổi bật trong tháp chuông là Đại hồng chung lớn nhất Việt Nam, nặng 36 tấn đồng, cao 5,5m được một nghệ nhân người Huế làm. Chuông đồng được đúc tại Huế sau đó mất nhiều ngày vận chuyển ra chùa Bái Đính đặt vào tháp chuông.
Trên thân của chiếc chuông đồng lớn nhất Việt Nam này có nhiều hoa văn, họa tiết mô phỏng từ các chuông cổ. Chuông chùa Bái Đính được dùng trong việc kinh kệ và thờ phụng. Ngoài Đại hồng chung, trong chùa còn có nhiều chiếc chuông nhỏ hơn tại các điện khác nhau.
Xung quanh thân chuông có nhiều họa tiết hoa văn, nổi rõ lên là những chữ Hán được khắc theo chủ đề Phật giáo. Trong đó, đặc sắc nhất là bài Kinh Đại Bi Bát Nhã trong kinh Phật.
Một số hình rồng cổ cũng được khắc trên thân chuông. Đây là mẫu hình rồng cổ xưa ở Việt Nam, điểm nhấn nhất là 2 con rồng trên đỉnh chuông được đúc bằng đồng nguyên khối. Cây cỏ, hoa lá, chim muông cũng được khắc trên thân chuông với sự sắp đặt hợp lý.
Quả chuông này nặng và lớn nhất vượt xa quả chuông của chùa Cổ Lễ. Đại hồng chung này được đúc bằng phương pháp thủ công với lượng lớn nhân công làm việc trong nhiều giờ liên tục để nấu và rót đồng.
Đại hồng chung ở chùa Bái Đính chỉ rung vào các ngày lễ lớn như: Lễ khai hội chùa, lễ Phật đản… Khi rung lên, tiếng chuông chùa vang xa gần 10km. Quan niệm của nhà Phật, tiếng chuông chùa càng vang xa đến đâu sẽ càng giúp chúng sinh hướng về phật đến đỏ để bỏ đi những đau khổ trần ai, làm điều thiện giúp đời.
Nằm ngay dưới chuông đồng khổng lồ là chiếc trống đồng “khủng”. Việc đặt chuông trên, trống dưới thể hiện theo triết lý nhà Phật, trên là trời dưới là đất, âm dương hòa hợp.
Chiếc trống đồng này nặng 70 tấn, cao 4,7m được mô phỏng từ chiếc trống đồng Đông Sơn. Trung tâm mặt trống là hình mặt trời, xung quanh là vạn vật sinh sôi nảy nở, trong đó có các hoạt động sinh hoạt của con người.
Xung quanh thân trống đồng cũng được trang trí nhiều họa tiết hoa văn không khác gì trống đồng Đông Sơn. Chiếc trống khổng lồ này được những nghệ nhân ở Kiến Xương, Thái Bình làm.
Hình ảnh con người với những sinh hoạt đời thường, chim thú… được thể hiện rất rõ nét trên mặt trống đồng.
Những hình ảnh thể hiện nền văn hóa Đông Sơn ở nước ta trên thân trống đồng là sự minh chứng cho nền văn hóa lâu đời trải qua hàng nghìn năm lịch sử của dân tộc ta.
Để hoàn thành chiếc trống đồng khủng này, các nghệ nhân đã phải làm việc trong thời gian dài. Trống đồng này tuy không đánh kêu thành tiếng được nhưng lại là biểu tượng cho nền văn hóa đậm đà bản sắc của người Việt, cũng như triết lý của nhà Phật nên được làm rất cầu kỳ và tinh xảo.
Mỗi ngày có hàng nghìn lượt người đến chiêm ngưỡng Đại hồng chung và chiếc trống đồng “khủng” này trong ngôi chùa lớn nhất Việt Nam.