Ý nghĩa của việc đúc tượng đúc chuông

Nhân dịp đại lễ đúc tượng đúc chuông tại chùa Nhân (thôn Ngọc Khảm – Gia Đông – Thuận Thành – Bắc Ninh), chiều ngày 12/04/2016, TT.Thích Chân Quang nhận lời mời của sư thầy trụ trì Thích Đàm Thu đã quang lâm đạo tràng thuyết giảng về ý nghĩa và công đức của việc đúc chuông, tạo tượng, với sự tham dự gần bốn nghìn phật tử gần xa. 

Được biết, chùa Nhân trước kia thời Pháp thuộc bị giặc Pháp lấy xây dựng đồn nên đã bị phá hủy không còn nguyên trạng. Sau này nhân dân địa phương có tu bổ lại nhưng chỉ là ngôi Tam Bảo quá nhỏ, trong khi đất chùa rất rộng (khoảng 14.500m2). Gần đây, do nhu cầu tu học của phật tử địa phương ngày càng đông, nên sư thầy trụ trì chùa Linh Ứng Tương Mai đã phát tâm xây dựng lại chùa để nơi thờ cúng Tam Bảo được trang nghiêm, đồng thời mở khoá tu, tổ chức thuyết Pháp cho các Phật tử địa phương. Trải qua một năm khởi công xây dựng, đến nay ngôi Tam Bảo, sân, nhà giảng trước đã cơ bản hoàn thành. Và hiện đang tổ chức lễ rót đồng đúc tượng – đúc chuông. Còn các hạng mục khác sẽ tùy duyên làm sau. 

Dịp này, để các phật tử hiểu rõ về ý nghĩa và công đức của việc đúc tượng đúc chuông, Thượng toạ cho rằng: Trong Phật giáo, gây tạo tượng Phật vừa là một nghệ thuật điêu khắc, vừa thể hiện niềm cảm xúc tôn kính đối với đức Phật, vừa góp phần giữ gìn hình ảnh của Phật giáo cho nhiều đời sau, đồng thời cũng là phước lành rất lớn. Nếu bức tượng được đúc ra đó hảo tướng, trang nghiêm, được nhiều người chiêm ngưỡng, lễ bái cung kính, phát tâm tu hành; hoặc tượng được đặt tại một ngôi chùa có chư tăng ni tu hành chân chính, thu hút được mọi người tề tựu về tu tập rất đông thì công đức của người đóng góp vào bức tượng sẽ rất lớn.

Đầu tiên họ sẽ có duyên lành với Phật pháp hết kiếp này đến muôn kiếp về sau. Dù họ trôi lăn, lạc lối, thậm chí lỡ gậy tạo tội lỗi thì vẫn không bị rơi vào đọa xứ bởi thường có người đến nhắc, kéo họ về với Phật pháp. Hơn nữa, trong tâm người đó tự nhiên xuất hiện quyết tâm tinh tấn mãnh liệt để có thể tu hành khai mở tâm linh. Nếu tiến xa hơn, họ có thể làm người xuất gia đạo cao đức trọng, giáo hóa chúng sinh không ngừng nghỉ, điều đặc biệt là có thân tướng ta rất hoàn hảo, nghiêm trang, không bị khiếm khuyết.

Nói chung, kim thân của đức Phật mà đúc đẹp, được đặt ở một nơi linh thiêng, có tăng ni, phật tử tinh tấn tu hành và pho tượng được truyền đời rất lâu thì thường phúc của những người phụ góp vào lớn đến mức phải sinh lên cõi trời. Nếu phải trở lại cõi người, họ luôn là người ở trong ngôi vị tôn quý, có thân tướng tốt đẹp. Thậm chí khi chịu quả báo vì một ác nghiệp nào đó, nếu phải bị tai nạn họ không bao giờ bị đứt tay, cụt chân hay bị biến dạng cơ thể mà được phục hồi rất nhanh, rồi thân thể lành lặn trở lại. Hôm nay, duyên lành đó đã nằm nơi chùa Nhân này, chúng ta hãy góp phần công đức. Như một lời kêu gọi, Thượng toạ làm gương trước đã hỷ cúng 20 triệu đồng và đạo tràng Phật Hạnh (Hà Nội) cũng phát tâm cúng dường trên 20 triệu đồng.

Cái niềm say mê gây tạo tượng Phật trong Phật giáo rất là lớn. Vì vậy có những tu sĩ miệt mài cả đời chỉ lo tạc tượng. Những người có tình yêu kính đối với đức Phật lớn lao thì họ lại càng thích tạc tượng Phật để cho mọi người chiêm ngưỡng. Tuy nhiên, có những giai đoạn tượng Phật được tạc ra không đẹp. Vì thế những người góp phần bồi tạo vào bức tượng đó bị cảm quả báo kiếp sau phải sinh ra với gương mặt khó nhìn, thậm chí kì dị. Do đó khi bồi tạo tượng Phật, ta buộc phải yêu cầu người nghệ nhân tạc tượng Phật bằng cái nhìn của người Việt Nam ngày hôm nay, không qua trung gian Trung Hoa, Thái Lan, Ấn Độ để tạo ra một gương mặt đức Phật hoàn hảo trong từng chi tiết nhỏ. Có vậy mới giúp chúng sinh dễ dâng lên cảm xúc tôn kính.

Mặc khác, tiếng chuông chùa là một phương tiện độ sanh không thể thiếu. Theo quan niệm của Phật giáo Đại thừa, ta vừa phải độ người sống, vừa độ người mất. Trong số những người mất đó, ta lại hết sức quan tâm, ưu tư về những chúng sinh bị đọa đày ở cõi địa ngục. Đó là những người lúc sống đã làm những điều cực ác, họ bướng bỉnh cang cường đến mức không ai can ngăn được. Vì ác nghiệp đó, khi rời bỏ cõi này họ buộc phải đọa xuống địa ngục. Trong địa ngục không có ánh sáng, cực kì hôi hám, nhiệt độ nóng lạnh vượt khỏi sức chịu đựng của chúng sinh ở cõi người, tất cả mọi cảm giác khó chịu đau đớn đều vô cùng dữ dội. Những chúng sinh ở đó rên la kêu van thảm thiết trong vô vọng.

Cho nên, các vị Tổ đã tạo ra chuông chùa với mong muốn tiếng chuông sẽ được chúng sinh ở cõi địa ngục nghe thấu rồi thay đổi tâm hồn mà thoát khỏi cảnh đọa đày. Tiếng chuông ngân vang kết hợp với những lời tụng thỉnh chuông của chư tăng ni gửi gắm vào sẽ được biến thành đại thần chú. Đại thần chú này vang xuống dưới cõi địa ngục, vang cao lên đến những tầng trời và vang ra không gian chung quanh, gần gũi nhất là xóm làng con người.

 Ảnh minh họa

Từng hồi chuông buông xuống không chứa đựng ngôn ngữ, không ít người cho rằng đó chỉ là âm thanh vô nghĩa. Tuy nhiên, kể cả loài cọp nghe cũng được thay đổi tâm hồn, huống hồ con người. Khi nghe ngôn ngữ ta hiểu bằng ý thức. Còn tiếng chuông khi được mang theo thần lực bỗng đi vào sâu trong tiềm thức của ta, làm thay đổi tiềm thức mà chính ta cũng không biết. Tại sao vật vô tri lại chứa đựng những điều màu nhiệm? Đây là một khái niệm mới mà khoa học chưa nghiên cứu đến, tuy nhiên đã được người xưa khai thác rất nhiều.

Thực tế, có những điều tưởng chừng vô tri nhưng lại mang trong mình một tâm thức, một sự sống nào đó rất kỳ lạ, vì đã được gá vào đó một cái tâm thức, một cái thần lực nào đó. Ví dụ, những bức ảnh thờ người quá cố, các bức tượng của những vị danh tướng… đều được gá vào tâm thức, một thần lực của họ mà ai xúc phạm, làm sứt mẻ sẽ phải chịu những hậu quả nặng nhẹ khác nhau.

Hoặc tiền dù chỉ là tờ giấy, nhưng vì được xã hội công nhận nên trở thành sức mạnh chi phối cuộc sống ta. Bùa chú cũng vậy, chỉ là một mảnh giấy thôi nhưng bằng cách nào đó đã được cả thế giới thần linh công nhận, nên đã có sức mạnh của chúng. Trong Phật giáo cũng có những vị thầy Mật Tông viết những câu thần chú vào tờ giấy mà ta khi mang theo bên người hoặc để trên bàn thờ thì được may mắn, như ý. Những tờ giấy này được cho là đã có chư Bồ tát ấn chứng nên có thần lực. Tuy nhiên, vị thầy viết ra thần chú phải là người cực kì đức độ. Bằng không, nếu họ tham sân si, không giữ giới thì mảnh giấy bùa chú viết ra cũng chỉ là vô nghĩa, không được chư Bồ tát chấp nhận vì chúng đã được viết bởi một người không thanh tịnh.

Kể cả cây cối, đất đá cũng có sự sống tâm linh. Trong vũ trụ có hai dạng tâm linh. Một dạng có bản ngã là chúng sinh, như con người, thú vật…Một dạng không có bản ngã nên không có luân hồi tái sinh như cây cối, đất đá. Trên những cánh đồng của Mỹ có những tảng đá to thường trượt, chạy theo nhiều hướng khác nhau để lại những vệt dài nhưng hoàn toàn không có dấu vết của con người đã tác động vào. Các nhà khoa học cố gắng lý giải nhưng chưa bao giờ có một lời lý giải nào thật sự thuyết phục. Hoặc Bungary cũng ghi nhận một vài trường hợp của các tảng đá biết “đẻ trứng”, thỉnh thoảng chúng lại làm “rơi” ra một hòn đá rồi hòn đá bé bỗng dần dần lớn lên.

Như vậy, cả trái đất của chúng ta là một khối sinh thể, một khối sống động, không phải một khối đất đá vô tri. Từ đó, mới xuất hiện thêm những sự sống khác là cây cỏ, chim thú, con người. Vũ trụ cũng vậy. Khoa học chỉ biết rằng vũ trụ còn giấu nhiều vật chất bí mật, nhưng không biết vật chất bí mật đó là gì. Đến ngày nào đó khoa học sẽ phát hiện ra cả vũ trụ này cũng là một khối tâm linh sống động. Cho nên, Thượng toạ hay nhắc nhở chúng đệ tử tụng bài kệ Vô ngã

 
… Bản ngã phù du như khói sương
Thân tâm cát bụi ở ven đường
Một lòng theo Phật tìm vô ngã

Pháp giới chỉ là một khối thương.

 

“Pháp giới chỉ là một khối thương” tức pháp giới này cũng là một sự sống. Hiểu như vậy, cho nên từng chiếc khăn, cái quần, cái áo, cánh hoa coi vậy chứ giấu trong đó sự sống mà nếu ta gửi vào trong đây những ước nguyện cao quý thì những vật thể vô tri đó đều biến thành bùa, thành chú, thành sức mạnh trong cuộc sống của ta.

Tiếng chuông cũng vậy, mặc dù Trung Hoa đã truyền sang Việt Nam một bài kệ của bao nhiêu thế kỷ trước để hô chuông, nhưng Thượng toạ xét thấy có những câu không còn phù hợp lắm, nên đã mạnh dạn soạn một bài kệ hô chuông mới cho thế kỉ này, cho dân tộc Việt Nam. Chúng ta thử chiêm nghiệm bài kệ hô chuông này: 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô Đại Từ Di Lặc Tôn Phật
Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát
Nam Mô Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát. 
– Nguyện tiếng chuông này vang khắp chốn
Mang theo thần lực của Như Lai
Hóa độ chúng sinh muôn vạn loại
Quay về Phật Pháp thoát trần ai
– Nguyện tiếng chuông này lan khắp nơi
Đem lòng bi mẫn của Như Lai
Chúng sinh tỉnh ngộ lòng trong mát
Thương nhau bỏ hết những hẹp hòi
– Nguyện tiếng chuông này bay thật xa
Sáng lên hạnh nguyện của Phật đà
Chúng sinh hiểu được điều nhân quả
Gắng công tạo phúc tháng ngày qua
– Nguyện tiếng chuông này xuống rất sâu
Địa ngục chúng sinh ngưng khổ đau
Cúi đầu tôn kính Mười Phương Phật
Ăn năn diệt tội thoát ngục tù
– Nguyện tiếng chuông này bay rất cao
Chư Thiên hộ pháp mãi bền lâu
Đừng ai phá hoại đường chánh pháp
Chúng sinh nương tựa đến nghìn sau
– Nguyện tiếng chuông này rất thiêng liêng
Ai nghe rồi cũng dứt ưu phiền
Tỉnh giấc mộng dài đêm sinh tử
Quay đầu tìm thấy đạo bình yên
– Nguyện tiếng chuông này rất linh thiêng
Chở che dân tộc khắp mọi miền
Ơn Phật thấm nhuần trong trời đất
Người thương người thoát nổi truân chuyên
– Nghe tiếng chuông này xin lắng tâm
Quay về an trú biết toàn thân
Biết thân tạm bợ, rồi tan hoại
Tỉnh giác trong từng hơi thở êm
– Nguyện cho pháp giới khắp mười phương
Chúng sinh đắc đạo thánh phi thường
Từ bi trí tuệ không cùng tận

Hòa trong biển giác của Pháp Vương

 

Nam Mô Thập Phương Tam Thế Nhất Thiết Chư Phật Tôn Pháp Chư Bồ Tát Chư Hiền Thánh Tăng. 

Chúng ta thấy, mỗi khi tiếng chuông vang lên mang theo lời ước nguyện cao quý như thế của người đóng chuông thì tiếng chuông đó vô tri bay tỏa trong không gian. Ta nghe ở từ xa không thấy gì cả, nhưng thần lực được giấu trong tiếng chuông đó đi vào xóm làng, đi vào lòng người, đi vào tâm thức của chúng sinh và thay đổi tiềm thức bí mật của chúng sinh. Tất cả chúng sinh bỗng nhiên thấy mình tốt lên từ từ mà không hiểu tại sao. Nên ngôi làng nào có chùa, có tiếng chuông khuya, có bài kệ cảm xúc như thế mà được vị thầy chân tu hô chuông thì từ từ cả làng đều tốt lên, cả làng được nhiều may mắn và làng đó từ từ xuất hiện nhiều nhân tài cho đất nước này. 

Bài Pháp thoại vừa đủ đã được Thượng toạ ban bố cho thính chúng tại chùa Nhân, để lại nhiều ý đạo tuyệt vời, giúp hành giả mở rộng tầm nhận thức đúng đắn khi hiểu về công đức của việc đúc chuông, tạo tượng, sức mạnh của bùa chú, các hiện tượng tâm linh và vật chất có sự sống. Dù chúng ta tin hay không tin thì nó vẫn vậy. Tốt nhất ta nên phân biệt được đâu là thật, đâu là giả để có thái độ sống đúng, nhằm đem lại lợi lạc cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội.

Facebook