Giới Thiệu Làng Nghề Đúc Đồng Tống Xá Ý Yên

Trải qua gần 900 năm, nghề đúc đồng ở làng Tống Xá, xã Yên Xá, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định vẫn tồn tại vững bền và phát triển mạnh mẽ, đem đến cuộc sống no đủ cho người dân trong vùng.
Vào cuối thế kỉ XII, ông tổ Nguyễn Minh Không về Tống Xá khai hoang lập ấp và truyền dạy cho dân trong vùng nghề đúc đồng để làm kế sinh nhai. 
Ngày nay, từ những kinh nghiệm của cha ông để lại cùng với sự khéo léo của đôi bàn tay và việc áp dụng tiến bộ kĩ thuật, người dân Tống Xá đã đưa nghề xưa lên một bước phát triển mới.

Nghề đúc đồng ở Tống Xá đã có gần 900 năm.

Thợ đúc làng Tống Xá tạo khuôn tượng đồng trước khi đúc.

Rót đồng vào khuôn đúc.

Thợ chạm đồng làng Tống Xá.

Đôi bàn tay khéo léo của người thợ tạo nên những đường nét chạm khắc tinh xảo trên sản phẩm.

Từ chỗ chỉ chuyên đúc những sản phẩm gia dụng, thờ cúng có kích thước nhỏ như chậu, nồi, chảo, lư hương, đỉnh trầm, tượng Phật… Ngày nay, người Tống Xá đã có thể đúc được những sản phẩm lớn có độ tinh xảo và phức tạp cao. Điển hình như việc các nghệ nhân làng Tống Xá và làng Vạn Điểm ở cạnh bên đã đúc thành công nhiều công trình tượng đài lớn bằng đồng mang tầm cỡ quốc gia như: Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ cao 16,2m, nặng 220 tấn ở Điện Biên; tượng vua Lý Thái Tổ cao 10,1m, nặng 45 tấn ở hồ Gươm (Hà Nội); tượng Phật tổ Như Lai nặng 35 tấn ở núi Non Nước (huyện Sóc Sơn, Hà Nội); 3 pho tượng Tam Thế Phật nặng 50 tấn ở chùa Bái Đính (Ninh Bình)… 

Ngoài những tượng đài lớn thường được làm theo đơn đặt hàng, làng Tống Xá vẫn sản xuất những sản phẩm thủ công mĩ nghệ truyền thống để đáp ứng nhu cầu của thị trường như: Đồ thờ cúng bằng đồng, lư hương, đỉnh đồng, tượng linh vật, tượng danh nhân, lãnh tụ cỡ nhỏ và vừa… Đặc biệt, tượng danh nhân, tượng lãnh tụ của làng Tống Xá được đánh giá là rất có thần nhờ đường nét tinh tế.

Để có thể tạo ra được những sản phẩm đúc đồng chất lượng cao và mang vẻ đẹp độc đáo riêng, người Tống Xá đã biết cách giữ gìn và phát huy bí quyết nghề cổ, cũng như luôn giữ được cái tâm trong sáng và đạo đức của người làm nghề. Nhờ đó tiếng thơm của làng nghề ngày một bay xa.

Ngày nay, nếu có dịp về thăm làng Tống Xá, bạn sẽ được tận mắt chứng kiến nhịp sống đầy sôi động của một làng nghề có tuổi đời gần 900 năm cũng như sự tinh tế, công phu của những người thợ.


Tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đỉnh đồng.

Phù điêu hoa văn trống đồng.

Dọc theo con phố chính ở trung tâm thị trấn Lâm (xã Yên Xá – huyện Ý Yên) có rất nhiều gian hàng bày bán các sản phẩm đúc đồng của làng Tống Xá. Không khí mua bán nhộn nhịp làm cho con phố thêm sầm uất. Sản phẩm đồng Tống Xá không chỉ được bán lẻ cho dân chúng trong vùng mà còn được đưa đi bán ở các tỉnh và xuất khẩu ra nước ngoài. 

Hiện nay, ở Tống Xá có khoảng hơn 150 cơ sở sản xuất đồ đồng mĩ nghệ, thu hút hơn 1.500 công nhân địa phương và các vùng lân cận với mức thu nhập từ 3 – 4 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu từ làng nghề đạt hơn 600 tỉ đồng/năm. 

Đặc biệt, hiện nay, ngoài những cơ sở sản xuất nhỏ, làng Tống Xá đã xuất hiện thêm nhiều doanh nghiệp tư nhân có quy mô sản xuất lớn. Việc ra đời các doanh nghiệp này đã góp phần thay đổi diện mạo sản xuất của một làng nghề truyền thống, chuyển từ phương thức sản xuất theo lối thủ công nhỏ lẻ sang phương thức sản xuất công nghiệp theo hướng hiện đại, từ đó thúc đẩy môi trường hoạt động và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm của làng nghề. 

Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường trong và ngoài nước, tại thị trấn Lâm huyện Ý Yên đã hình thành khu công nghiệp cơ khí đúc Ý Yên, thu hút nhiều hộ gia đình làm nghề đúc tham gia sản xuất. Người dân làng nghề đã đầu tư máy móc gia công, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã mạnh dạn mở rộng thị trường, tìm kiếm bạn hàng để giới thiệu sản phẩm quê hương, giữ vững nghề của ông cha. Đó là hướng đi mới và cũng là tín hiệu đáng mừng của nghề đúc đồng Tống Xá, góp phần phát triển kinh tế địa phương./.

Facebook